Trà bắc là gì? Tên gọi này xuất phát từ đâu?
Trà bắc là cách mà người miền Nam gọi các loại trà xanh có xuất xứ từ miền Bắc nói chung, ví dụ như trà Tân Cương, trà Thái Nguyên, trà Phú Thọ. Trà bắc còn được gọi là chè bắc, trà bắc thái (ý chỉ trà Thái Nguyên).
Các tỉnh khu vực trung du phía Bắc vốn có điều kiện đất đai và khí hậu thích hợp để trồng trà: địa hình cao, đất feralit giàu dinh dưỡng, khí hậu nhiệt đới ẩm có mùa đông lạnh, không quá nóng bức. Bởi vậy các đồn điền trồng chè đã hình thành tại đây từ đầu thế kỷ 20, nhiều hơn so với các đồn điền ở miền Nam. Người miền Bắc cũng sử dụng chè nhiều hơn tại miền Nam.
Tại miền Nam thế kỷ 20, người ta tiêu thụ trà ô long, trà lài, cà phê phổ biến hơn, vì vậy trà bắc trở thành từ để chỉ các loại trà khô nói chung đến từ miền Bắc.
Hiện nay tên gọi trà bắc vẫn được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày, bên cạnh đó người ta cũng dùng các từ như chè khô, trà xanh, chè xanh.
Hương vị trà bắc có gì đặc sắc?
Trà bắc, hay trà mạn, chè xanh khô nói chung đều có đặc điểm là vị chát ấn tượng nhưng không gắt mà dịu êm, để lại hậu ngọt lưu lại lâu trong khoang miệng. Nước trà thơm tựa như hương cốm non tự nhiên. Hương trà thoang thoảng, mộc mạc. Cách thưởng thức trà phổ biến là pha nóng, uống bằng chén.
Trong khi đó các loại trà được yêu thích tại miền Nam là trà lài có hương hoa thơm ngát, hoặc trà ô long nhẹ nhàng, trà lạnh giải khát phù hợp với khí hậu nóng quanh năm tại đây. Trà bắc có một nét khác biệt và hương vị đậm đà hơn, cũng rất được yêu thích tại miền Nam.
Các loại trà bắc nổi tiếng
Các loại trà bắc theo nơi trồng
Trà Thái Nguyên (trà bắc thái): chỉ các loại trà có xuất xứ từ tỉnh Thái Nguyên - tỉnh có sản lượng chè hàng đầu Việt Nam và nổi tiếng bởi truyền thống làm trà lâu đời, hương vị trà vô cùng đặc sắc.
Trà Tân Cương: Tân Cương là một khu vực thuộc Thái Nguyên với chất lượng trà nổi trội hơn hẳn so với các huyện khác, làm nên tên tuổi chè Tân Cương nổi tiếng toàn quốc.
Trà Tuyên Quang và trà Phú Thọ: Tuyên Quang và Phú Thọ cũng là các tỉnh trồng trà nổi tiếng ở khu vực trung du phía Bắc, mang đến nhiều sản phẩm trà với hương vị khác biệt.
Trà Hà Giang: nhắc đến Hà Giang người ta thường nghĩ ngay đến đặc sản trà shan tuyết cổ thụ, làm từ những lá trà tươi được hái từ những cây chè cổ thụ tự nhiên trong rừng, lên đến hàng trăm tuổi. Bên cạnh trà Hà Giang thì còn một số khu vực miền núi khác cũng có sản phẩm trà đặc sắc, gắn liền với tên gọi như Tà Xùa, Suối Giàng...
Các loại trà bắc theo nguyên liệu và hình dáng lá trà
Trà bắc còn được phân loại theo loại búp được chọn để làm trà và hình dáng lá trà sau khi đã trải qua quá trình sản xuất.
Trà đinh: trà đinh làm từ búp trà non 1 tôm - nghĩa là búp trà non nhất, khi xong các công đoạn làm trà thì cánh trà sẽ có dạng thẳng, thon dài hơi giống chiếc đinh. Đây là loại trà được coi là cao cấp hàng đầu với giá thành đắt hơn hẳn so với các loại trà khác.
Trà tôm: làm từ búp trà 1 tôm 1 lá, bao gồm 1 búp trà non và một lá tiếp theo. Cánh trà đẹp, nhỏ, hơi cong nhẹ như con tôm nên có tên gọi là trà tôm. Trà tôm cũng thuộc nhóm trà thượng hạng được nhiều người đánh giá cao cả về hương vị lẫn hình thức.
Trà móc câu: đây là loại trà phổ biến nhất, nếu nói đến trà bắc chung chung thì đa phần mọi người sẽ nghĩ tới trà móc câu. Trà móc câu được làm trừ búp trà 1 tôm 2 lá, bao gồm búp non và 2 là gần kề nhất. Cánh trà màu xanh đen, to hơn trà tôm và trà đinh, cong cong như chiếc móc câu.
Các loại trà bắc theo cách thức sản xuất
Một số loại trà được ướp hương hoa sẽ có tên gọi gắn liền với loài hoa đó, ví dụ như trà nhài (miền Nam hay gọi là trà lài), trà sen - đặc sản Tây Hồ, Hà Nội…
Việc trồng chè, làm chè đã hình thành và phát triển rất lâu ở miền Bắc nên tại đây có nhiều nghệ nhân giàu kinh nghiệm, sở hữu những kỹ thuật gia truyền tạo nên thành phẩm thượng hạng. Một số loại trà bắc có giá rất cao bởi chúng được làm từ búp trà tốt nhất, được chế biến bởi bàn tay của những người làm trà nổi tiếng, ẩn chứa những bí quyết đặc biệt và mang hương vị vô cùng đặc sắc.