Lá của cây trà xanh có màu xanh bóng với các mép răng cưa. Hình dạng và kích thước tương tự như lá nguyệt quế. Lá cây phát triển tốt nhất khi được trồng sau đợt sương giá cuối cùng, ở đất cát thoát nước tốt và không nên thu hoạch cho đến khi được ba tuổi. Lá cũng chính là bộ phận thường được dùng để làm trà xanh.
Trà xanh
Trà xanh hay còn gọi là 绿茶 (trong tiếng Trung), và green tea (trong tiếng Anh). Đây là loại trà được làm từ búp và lá non của cây trà xanh nêu trên.
Những búp trà non đẹp nhất, tươi nhất sẽ được thu hoạch để làm trà. Sau khi thu hái, lá và búp phải qua những công đoạn kỹ càng, an toàn và chuyên nghiệp như sao khô, vò, rồi lại làm khô. Sau đó lại được bảo quản ở nhiệt độ vừa chuẩn dưới sự kiểm soát kỹ càng để đóng gói và đưa đi tiêu thụ.
Những người thợ lành nghề, dày dặn kinh nghiệm sẽ thực hiện các công đoạn trên. Vậy nên lá trà cuối cùng sẽ giữ được sắc xanh khó tả, rất đẹp mắt.
Phân biệt trà xanh và chè xanh
Thật ra, đây chỉ là thói quen tùy theo phương ngữ của từng vùng. Ở miền Bắc người ta thường gọi chung cây trà và những sản phẩm làm ra từ cây ấy là “chè”.
Miền Nam lại khác, họ phân biệt rõ ràng hơn, chỉ những sản phẩm được làm từ cây chè mới được gọi là trà. Còn nếu ở miền Nam mà bạn dùng “chè”, thì sẽ được hiểu là các món chè ngọt, như chè bà ba, chè trôi nước,…
Nguồn gốc của trà xanh
Những vùng trồng trà xanh đầu tiên trải dài từ miền bắc Miến Điện (Myanmar) đến các tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên – miền Nam Trung Quốc. Cũng từ các tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, nghề trồng trà phát triển sang các vùng khác của Trung Quốc kể từ triều nhà Thương (1600 TCN – 1046 TCN).
Cũng từ sự mở rộng đó, quá trình này sinh ra nhiều giống trà mới, biến thể cây trồng để làm trà cũng trở nên đa dạng hơn. Chẳng hạn, để thích nghi với khí hậu từng vùng, cây trà xanh ở một số nơi hình thành lá nhỏ hơn. Các loại trà này được nhóm lại với nhau dưới tên Camellia sinensis var. sinensis – một loại trà xanh có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ở Việt Nam, có một truyền thuyết về nguồn gốc của của loại trà này. Đó là mối tình lãng mạn của Trương Chi và Mỵ Nương. Mỗi lần Mỵ Nương rót nước trà vào chén lại thấy hình ảnh con đò cùng tiếng hát vọng về. Đến năm 1924 thời Pháp thuộc, ở Việt Nam mới có những đồn điền trà. Chủ yếu ở vùng cao nguyên Trung Kỳ (Kon Tum, Đắk Lắk, Pleiku và Đồng Nai Thượng). Bây giờ trà xanh Việt Nam chủ yếu trồng ở vùng Thái Nguyên, Sơn La, Yên Bái và Lâm Đồng.
Trà xanh có tốt không?
Trà xanh có 4 công dụng chính. Cũng nhờ 4 công dụng này mà chúng được dùng thay cho cà phê hoặc các thức uống năng lượng.
Giảm cân
Có lẽ không thể không nhắc đến tác dụng giảm cân của trà xanh. Trong lá trà chứa chất chống oxy hóa, gọi là catechin (EGCG). EGCG được cho là có tác dụng tăng cường trao đổi chất và giúp đốt cháy chất béo.
Nghiên cứu “Ảnh hưởng của trà xanh giàu chất catechin lên thành phần cơ thể” của Unilever(2012) đã đưa ra bằng chứng về vấn đề này. Nghiên cứu được thực hiện trên các đối tượng uống trà siêu giàu catechin mỗi ngày hai lần. Nghiên cứu ghi nhận sau 90 ngày, những người này giảm được mỡ bụng và lượng mỡ trung bình. Họ cũng giảm 1,9 cm vòng eo và 1,04 kg trọng lượng cơ thể. Từ đó ta có thể thấy rõ hỗn hợp EGCG và cafein trong trà xanh có tác dụng tích cực trong việc giảm cân và kiểm soát cân nặng.
Trị mụn
Nếu một gương mặt lấm tấm mụn là nỗi lo của bạn thì trà xanh chính là giải pháp! Bởi lẽ trong loại trà này có chứa các chất gọi là catechin và đặc biệt giàu EGCG.
Đây một loại polyphenol mà trong nghiên cứu “Trà xanh và các polyphenol: Ảnh hưởng đến sản xuất bã nhờn và mụn trứng cá” (2017), bác sĩ da liễu Suzana Saric và đồng nghiệp đã chỉ ra rằng có thể giảm mụn trứng cá và da nhờn. Công dụng này sẽ đánh tan nỗi lo bị mụn mà các bạn thường gặp phải.
Bên cạnh đó, nếu bạn uống trà xanh thường xuyên, thì còn có hai lợi ích khác:
Thêm năng lượng, bừng tỉnh táo
Nhiều người chọn bổ sung caffeine cho cơ thể để tiếp thêm năng lượng. Một trong những thức uống phổ biến hiện nay là cà phê, nhưng họ lại thêm đường hoặc sữa đặc. Đây là những nguyên liệu không nên dùng nhiều.
Vậy nên, thay vì uống cà phê, hãy thử chọn trà xanh, một loại thức uống chứa caffeine lành mạnh. Theo Healthline, cách hàm lượng caffeine trong trà xanh hoạt động thân thiện hơn cho những người nhạy cảm với chất kích thích.
Giảm lo âu căng thẳng
Theo Healthline, trà xanh chứa L-theanine, có tác dụng rất lớn đối với cơ thể bạn. Ngoài ra, một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe và Thực phẩm Unilever cho thấy “L-theanine làm tăng đáng kể hoạt động trong dải tần số alpha, giúp thư giãn tâm trí mà không gây buồn ngủ.”.
Phân loại trà xanh
Phân loại theo quy cách đóng gói
Loại thứ nhất là trà túi lọc, xuất hiện rất nhiều và chiếm ưu thế trên thị trường vì tính tiện dụng cũng như hương vị. Trà được hái, làm khô và nghiền nhuyễn rồi đóng vào túi đã khử trùng. Nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian để pha chế và có thành phẩm ngay tức thì, bạn có thể sử dụng dạng này.
Loại thứ hai là loại thuần túy hơn, thường được ông bà và bố mẹ chúng ta tin dùng. Đó là loại trà khô được đóng gói trong một túi thiếc lớn. Vì vậy khi mua về cần được cất và bảo quản một cách kỹ càng hơn trong hộp đựng thực phẩm an toàn. Đây cũng chính là những gói trà xanh xuất hiện trong ký ức tuổi thơ của mỗi chúng ta.
Phân loại trà xanh theo mùi hương
Có rất nhiều loại trà nhưng có lẽ chúng ta sẽ nói về hai loại thanh mát nhất. Những hương vị mà khi uống vào sẽ cho người ta cảm giác dễ chịu và bình yên nhất: trà nhài và trà ướp hoa ngâu.
Trà xanh hoa nhài có vị chát nhẹ nhẹ nơi đầu lưỡi, rồi lại man mác hương nhài nhẹ nhàng. Vì vậy, nó xua tan đi cảm giác mệt mỏi, giảm đau đầu chóng mặt và đưa người ta đến với những tháng ngày bình yên.
Đặc trưng hơn nữa có lẽ là trà ướp hoa ngâu. Bởi loại trà này gần như chỉ phổ biến tại Việt Nam mà không thấy xuất hiện tại các quốc gia khác. Vị trà thơm dịu đem lại cảm giác thư thái lạ kỳ khi thưởng thức.