Trà sao chảo thủ công chính là kỳ công như thế!
Trà xanh luôn là loại trà phổ biến nhất ở Việt Nam, và nó cũng là hương vị chủ đạo của việc uống trà của người Việt từ xa xưa. Đặc điểm lớn nhất của trà xanh là độ “tươi mát” của nó. Vì vậy, vào mùa trà xuân trà xanh luôn được thu hút được sự quan tâm của hầu hết mọi người.
Sao chè công đoạn đầu tiên là làm héo, sau đó cho chè ra vò lên hương. Nếu vò nhẹ thì khi pha sẽ lâu nhạt màu và hương vị trà; còn nếu vò mạnh thì sẽ bị ra nhiều chè cám hơn, trà mau nhạt hơn. Sau khi vò xong thì cho chè vào chảo làm khô đến khi bẻ cọng chè thấy giòn là được. Giai đoạn này sẽ bớt nóng tay hơn, bởi cần giảm lửa từ từ và chè khô cũng ít bắt nhiệt hơn, nhưng phải đảo luôn tay nhẹ nhàng, tránh làm chè nát vụn. Các khâu sao chè đều quan trọng, nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người thì khâu làm héo quan trọng nhất. Mỗi mẻ chè chỉ khoảng 2 kg thì mới đảo đều được và thời gian sao làm khô càng lâu chè càng ngon, thường là tổng thời gian khoảng 1 giờ đồng hồ mỗi mẻ. Trong khi đó, sao chè bằng máy công suất gấp 5-6 lần, thời gian cũng nhanh hơn.
Đồng bào vùng cao dùng tay sao chè là để cảm nhận nhiệt độ, độ khô của chè để điều chỉnh lửa và thời gian sao chè nhằm tạo sản phẩm chè ngon nhất có thể. Tùy theo kinh nghiệm và sự tinh tế từ bàn tay, mỗi người có bí quyết riêng ở từng công đoạn, thời điểm. Sao chè bằng máy cũng đòi hỏi kỹ năng, bí quyết riêng, nhưng không thể chuẩn xác được như bằng tay. Chè được sao bằng tay thường ăn đứt chè sao bằng máy ở hương thơm, màu chè sáng hơn, tất nhiên là giá bán cũng cao hơn nhiều, có thể pha tới nước thứ 4-5 mà màu và hương vị như nước đầu; thơm ngát như thêm chút mật, thoang thoảng khói củi rừng, lúc đầu uống vị chát khoang miệng sau đó vị ngọt lan tỏa, khó có thể lẫn với các loại chè khác.