Có một số yếu tố để phân định giá trị của một loại trà. Như vùng trà, mùa vụ hay giống trà. Và một yếu tố quan trọng khác nữa đó chính là phẩm hay độ non của lá trà.
Trên cùng một cây trà thì lá trà sẽ được chia chất lượng theo bậc thang từ 1 đến 10. Với 1 là cao nhất và 10 chính là thấp nhất. Hay nói một cách thì số càng nhỏ thì lá trà càng non. Và số càng lớn thì lá trà càng già hơn và chất lượng thấp hơn.
Trà Đinh là phẩm trà chỉ thu hái toàn lá 100% là lá 1. Thấp hơn thì chúng ta có Nõn Tôm hay Nõn Đinh là thu hái lá 1, 2 và 3. Hay còn gọi là “một tôm, hai lá”, có nghĩa là chỉ lá trà non nhất và 2 lá non kế tiếp được thu hái.
Cách hái này không phải của riêng Việt Nam chúng ta. Mà đây chính là chuẩn chung của thế giới để phân loại phẩm trà. Chẳng hạn như trà Đinh thì được gọi là ‘tip’ (đầu nhọn). Còn trà Nõn Tôm là ‘fine plucking‘ (một tôm, hai lá) hay ‘imperial plucking’ (một tôm, một lá).
Nhiều người thường nhầm lẫn là Trà Đinh là tên một giống trà ngon nào đó. Kể cả một số người bán còn nhầm. Thế nhưng Trà Đinh chỉ là một phẩm trà khi thu hái mà thôi.
Trà Đinh là một phẩm trà hay được áp dụng cho trà Thái Nguyên. Nơi có vùng trà xanh trung du tốt nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là cách gọi riêng của Thái Nguyên. Mà tất cả các vùng trà khác ở Việt Nam đều có thể dùng như vậy.
Tại sao giá trà đinh lại mắt
Hương vị thơm ngon
Trà đắt thì nhất định phải ngon đúng không nào? Mặc dù vậy thì nhận định này cũng không hoàn toàn chính xác nếu bạn là người người uống trà lâu năm.
Trên lý thuyết thì Trà Đinh được xem là phẩm trà có hương vị ngon nhất. Lý do là lá trà non thường sẽ có chứa rất nhiều các thành phần amino acid tạo nên vị ngon. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vị ngon nhé.
Vị ngon là một trong 5 vị cơ bản: ngọt, chua, mặn, đắng và ngon. Trong các vị cơ bản này thì vị ngon này khó để tả nhất. Vị ngon thường gắn liền với thịt. Khi bạn luộc thịt thì vị nước luộc thịt chưa nêm nếm chính là vị ngon.
Trà xanh cao cấp sẽ có nhiều ‘vị ngon’. Hay người có một từ phổ biến được người Nhật tạo ra gọi là ‘umami’. Và umami chính là một vị then chốt mà người Nhật dùng để đánh giá trà xanh.
Trong Trà Đinh có rất nhiều amino acid để tạo nên vị ngon hay umami. Đồng thời tạo nên hương thơm nồng nàn của trà. Vị ngon này sẽ không có nhiều ở lá trà già hơn. Vì amino acid sẽ bị chuyển hoá trong quá trình quang hợp.
Do lá trà non chưa quang hợp nhiều nên hàm lượng tannin hơi thấp. Thế nên Trà Đinh sẽ ít có vị đắng chát. Thích hợp cho những người có gu uống trà nhẹ nhàng.
Nếu bạn có gu trà đậm thì Trà Đinh có thể hơi nhạt do thiếu tannin. Nếu vậy thì bạn nên dùng Trà Nõn Tôm thì hương vị trà sẽ đậm đà và cân bằng hơn.
Trà khí tốt
Trà khí chính là cảm giác thư giãn, hưng phấn và lâng lâng khi bạn uống trà. Hay nói một cách dân dã đó chính là cảm giác ‘phê’ khi bạn uống một loại trà nào đó.
Và trà khí này chủ yếu được tạo nên từ 3 thành phần sau:
L-theanine
Theophylline
Caffeine
Uống trà mà ‘tỉnh táo’ thì rất dễ. Vì hầu như phẩm trà nào cũng có chứa caffeine. Caffeine là thành phần có nhiều trong cà phê và lá trà. Khi uống trà thì bạn sẽ tỉnh táo và tập trung hơn.
Còn Trà Đinh thì sẽ chứa nhiều l-theanine và theophylline. Hai thành phần này khi kết hợp sẽ tạo cảm giác sau khi uống trà:
Thư giãn và giảm stress.
Tăng tập trung.
Tim đập nhanh hơn và tăng máu lưu thông.
Tạo hưng phấn cho hệ thần kinh trung ương.
Mỗi lần bản thân mình dùng Trà Đinh thì sẽ có giảm giác y như vậy tỉnh táo, tập trung và hưng phấn lạ kỳ. Bật chiếc đồng hồ Apple (đo nhịp tim & lượng oxy trong máu) sẽ thấy nhịp tim cao và lượng oxy trong máu cũng nhiều hơn.
Thế nên nhiều người thèm uống trà không chỉ là thèm vị ngon của trà. Mà còn thèm cái cảm giác này. Tuy nhiên, một số người khác khi uống trà lại bị chóng mặt, xót ruột và buồn nôn. Vì đây chính là những tác dụng phụ của các thành phần kể trên.
Đôi khi bị chóng mặt và buồn nôn không hẳn là do trà khí. Mà là do trong trà còn chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì vậy bạn nên chọn nơi mua trà một cách cẩn thận.
Mất nhiều công làm
Khi tìm mua Trà Đinh thì bạn sẽ hay thấy các trang web quảng cáo kiểu như hái trà đinh phải mất rất nhiều ngày. Rồi cả vườn trà rộng hàng nghìn mét vuông chỉ làm được vài trăm gram trà.
Thứ nhất là họ chỉ là người bán thôi nên cũng chẳng hiểu rõ trà được hái và sản xuất ra sao. Và thứ hai là phải nói quá lên để mà bán được nhiều hàng. Và bạn không tiếc khi bỏ nhiều tiền ra mua trà.
Điều này có nghĩa là mỗi một đợt thu hoạch thì vườn nhà mình sẽ có khoảng 1% trà đinh, 10-20% trà nõn tôm, và còn lại là các phẩm thấp hơn. Và tất cả đều từ một ngày công như nhau cả. Trà Đinh đắt vì nó hiếm và ít mà thôi.
Cái khó của việc làm ra của Trà Đinh không nằm ở khâu hái. Mà chính là khâu chế biến. Vì cánh trà rất mỏng và nhỏ. Rất dễ nát khi vò và xao. Chưa kể lá trà càng non thì càng nhiều ‘men’ (enzyme) nên khi diệt men phải xao ở nhiệt độ lớn.
Chính vì vậy nên khi chế biến Trà Đinh mà non tay nghề thì rất dễ bị hỏng mất cả mẻ trà. Thường thì người thực sự kinh nghiệm trong nhà mới dám đảm nhiệm việc chế biến trà đinh.
Cách pha trà đinh
Pha trà đinh kiểu Việt Nam
CHUẨN BỊ NƯỚC: đun nước sôi rồi sau đó để nước nguội còn khoảng 60 cho đến 70 độ C. Nước sôi trong bình đun sẽ mất khoảng 5-6 phút để đạt được mức nhiệt độ như vậy.
TRÀ VÀ ẤM: tỷ lệ cho trà và ấm là khoảng 5g trà cho ấm có dung tích khoảng 500ml. Tỷ lệ này chỉ là gợi ý, nếu uống đậm hay nhạt thì bạn có thể gia giảm tỷ lệ này tuỳ theo ý mình.
HÃM NƯỚC ĐẦU: đối với trà đinh thì bạn không cần phải tráng trà. Vì cánh trà mỏng nên cánh trà không cần công đoạn tráng để chuyển từ trạng thái khô sang ẩm. Nước đầu tiên hãm trong vòng 1 phút là có thể dùng được.
HÃM NƯỚC HAI: nước này bạn không cần hãm. Chỉ cần cho nước nóng vào rồi rót ra ngay là có thể dùng được ngay. Vì lúc bạn đang thưởng thức nước đầu thì trà trong ấm vẫn bị ẩm và chất trà vẫn đang ra liên tục.
HÃM NƯỚC BA: nước này bạn nên hãm trà tầm 2 phút. Và nước cuối cùng thì có thể hãm càng lâu càng tốt để ra hết chất trà.